Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Học cách nhận lỗi – Bài học của sự trưởng thành; Lo lắng, mệt mỏi vì muốn được lòng người khác.
Học cách nhận lỗi – Bài học của sự trưởng thành
Chúng ta thường nghĩ rằng, chỉ người mắc lỗi mới cần xin lỗi. Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhận lỗi chân thành không đơn thuần là thừa nhận sai lầm. Đó là một hành trình tự trưởng thành, là những bước đi đầu tiên trên con đường xây dựng sự tin tưởng, tôn trọng và lòng bao dung. Trong cuộc sống, khả năng nhận lỗi không chỉ là phẩm chất cá nhân mà còn là yếu tố quan trọng để có được những mối quan hệ bền chặt.
Chị Đặng Hoài Ngọc Cẩm (TP.HCM) chia sẻ: “Có lần, tôi đến trễ một cuộc họp quan trọng của công ty. Khoảnh khắc ấy không chỉ gây khó chịu cho mọi người mà còn ảnh hưởng đến tiến trình làm việc của cả nhóm. Dù đã xin lỗi, nhưng tôi nhận ra mình đã thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với thời gian chung. Sau đó, tôi khắc phục bằng cách không bao giờ tái phạm việc đi trễ”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM – chia sẻ: “Nếu bạn sẵn sàng nhận lỗi, điều đó thể hiện bạn là một người bản lĩnh, đủ dũng cảm để đối mặt với sai sót của bản thân. Điều đó còn cho thấy bạn là người trung thực, dám đối diện với những vấn đề có nguy cơ gây khó chịu. Khi bạn trưởng thành về mặt cảm xúc, bạn sẽ sẵn sàng nhận lỗi, bởi điều đó thể hiện trách nhiệm của bạn đối với bản thân và xã hội”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân (chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Chúng ta nghĩ rằng xin lỗi xong là thôi, và sau đó bản thân cũng không thay đổi, điều chỉnh hành vi thì chúng ta sẽ lại tái phạm hành vi đó. Nếu chúng ta lạm dụng những lời xin lỗi, chúng ta cứ lặp đi lặp lại thì sẽ dẫn đến người khác không tôn trọng mình. Về sau sẽ hình thành thói quen không có trách nhiệm với hành vi, lời nói của chính mình”.
Học cách nhận lỗi không chỉ là một kỹ năng giao tiếp mà còn là nền tảng của nhân cách. Để xin lỗi đúng cách và chân thành, mỗi người cần nhìn lại bản thân, lắng nghe phản hồi và sẵn sàng điều chỉnh hành vi. Trong môi trường gia đình, học đường hay công sở, lời xin lỗi đúng lúc có thể làm dịu đi căng thẳng, mở ra cơ hội hàn gắn. Đó không phải là sự yếu đuối, mà là sức mạnh của sự tự tin, bản lĩnh và lòng tự trọng.
Lo lắng, mệt mỏi vì muốn được lòng người khác
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn được yêu quý, được người khác nhìn nhận là một người dễ mến. Vì thế, chúng ta luôn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Thực tế, nhiều người luôn lo sợ làm người khác thất vọng, sợ bị đánh giá là ích kỷ, không còn là người dễ chịu trong mắt mọi người. Họ dần đánh mất bản thân vì những kỳ vọng không phải của riêng mình.
Chị M.A (TP.HCM) chia sẻ: “Ngay cả khi bản thân đang quá tải, chỉ vì sợ bị đánh giá là người ích kỷ, không biết giúp đỡ người khác nên tôi không từ chối ai bao giờ. Về lâu dài, tôi cảm thấy bản thân như kiệt sức, đôi khi chỉ muốn trốn tránh tất cả”.
Chị N.T (TP.HCM) cũng có trải nghiệm tương tự: “Tôi từng nghĩ, được lòng nhiều người là cách để có các mối quan hệ tốt đẹp hơn. Nhưng tôi nhận ra rằng, nếu bản thân phải gồng lên chỉ để làm hài lòng người khác thì không mối quan hệ nào thực sự thoải mái. Hiện tại, tôi đang tập nói không khi cần thiết và học cách tôn trọng cảm xúc của chính mình”.
Chị Hoàng Thị Ngọc Duyên – Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý và Phát triển Con người NHC Việt Nam – chia sẻ: “Nếu liên tục làm hài lòng người khác, chúng ta sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, đánh mất chính mình. Điều này đến từ những nỗi lo sợ người khác chê, sợ bị bỏ rơi, bị phán xét và những nỗi sợ ấy đến từ những tổn thương từ những trải nghiệm trong quá khứ. Nếu liên tục chạy theo người khác để mong muốn được công nhận, được ghi nhận, thì về lâu dài chúng ta sẽ mất kết nối với chính mình”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên – Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK – đưa ra lời khuyên: “Hãy trung thực với cảm xúc của bản thân, làm những gì mà chúng ta mong muốn thay vì làm cho người khác. Học cách nói ‘không’ với những yêu cầu không phù hợp một cách nhẹ nhàng và rõ ràng. Và hãy xây dựng những mối quan hệ chất lượng để tìm ra cách yêu thương và phát triển bản thân tốt đẹp hơn”.
Việc cố gắng để được lòng người khác là một điều tốt, nhưng nếu làm điều đó trong mọi trường hợp và với tất cả mọi người là bất khả thi. Do đó, việc học cách nói không, dám đặt ranh giới và lựa chọn điều phù hợp chính là cách phát triển và hoàn thiện bản thân.
Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.