Thể thao

Chuyên nghiệp hóa bóng đá từ yêu cầu sân cỏ

Chất lượng mặt sân thi đấu của các câu lạc bộ (CLB) bóng đá Việt Nam đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc, cản trở khả năng triển khai chiến thuật, làm giảm chất lượng chuyên môn và tiềm ẩn nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho cầu thủ.

Đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt sân cỏ là yêu cầu cần thiết của một nền bóng đá chuyên nghiệp. Trong ảnh: Công nhân đang cải tạo mặt cỏ sân Hàng Đẫy (Hà Nội). (Ảnh: SƠN TÙNG)

Đây đang là một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ, giúp nâng cao chuyên môn các trận đấu, thúc đẩy tính chuyên nghiệp hóa của bóng đá nước nhà.

Không phải ngẫu nhiên mà tại các nền bóng đá phát triển, công tác chăm sóc mặt cỏ sân luôn được đặt ngang hàng với việc nâng cao trình độ chuyên môn. Chất lượng mặt sân không chỉ bảo đảm điều kiện thi đấu tối ưu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng cầu thủ, khả năng triển khai chiến thuật cũng như chất lượng tổng thể của mỗi trận đấu. Xa hơn, mặt cỏ của sân còn được xem là “bộ mặt” của một nền bóng đá và là tiêu chí phản ánh tính chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia.

Tại Việt Nam, tình trạng những mặt sân xuống cấp đã kéo dài qua nhiều mùa giải. Hình ảnh lớp cỏ cháy sém, mặt đất gồ ghề, lởm chởm đá sỏi tại những sân vận động, như: Vinh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quy Nhơn… không còn xa lạ. Vấn đề này đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng không được giải quyết triệt để, từ mùa giải này sang mùa giải khác.

Không ít các huấn luyện viên (HLV) nước ngoài khi đến Việt Nam làm việc đều quan ngại về tình trạng mặt sân không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành chiến thuật. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số HLV không thể tạo dấu ấn chuyên môn như kỳ vọng, thậm chí sớm phải chia tay đội bóng trong tiếc nuối. Cựu HLV của CLB Hà Nội Daiki Iwamasa hoặc như HLV Popov của Thể Công Viettel từng không ít lần phàn nàn về chất lượng mặt sân ở V.League và cảnh báo chất lượng mặt sân sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam.

Chuyên gia Stuart McCheyne, người từng phụ trách công tác chăm sóc mặt sân cho các CLB hàng đầu châu Âu như Arsenal, Ajax, AC Milan…và từng làm việc tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF nhận định rằng các CLB tại Việt Nam vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác bảo dưỡng sân. “Mặt cỏ đóng vai trò rất quan trọng đối với sân bóng đá hiện đại. Tôi từng làm việc tại Việt Nam một thời gian, chất lượng mặt cỏ tại các sân bóng ở V.League khá thấp.

Thực trạng này xuất phát từ việc lãnh đạo một số CLB chưa thật sự coi trọng công tác chăm sóc sân bãi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thiếu cả thiết bị chuyên dụng lẫn đội ngũ kỹ thuật viên am hiểu về cỏ. Nếu muốn bóng đá Việt Nam phát triển bền vững và hướng đến đẳng cấp cao hơn, điều đầu tiên phải cải thiện là mặt sân thi đấu”, ông Stuart McCheyne chia sẻ.

Mặc dù không phải là nguyên nhân chính dẫn đến các chấn thương, nhưng khoảng 30% chấn thương nặng của cầu thủ có phần nguyên nhân từ mặt sân xấu. Về lâu dài, việc thi đấu thường xuyên trên các mặt sân không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến lưng, đầu gối và cổ chân của cầu thủ bị quá tải. Đặc biệt, trong các tình huống bật nhảy tranh chấp trên không, việc tiếp đất trên bề mặt không bằng phẳng sẽ làm tăng nguy cơ đứt dây chằng hoặc tổn thương sụn chêm, những chấn thương có thể để lại hậu quả nặng nề. Theo ông Lê Tuệ Đăng, Giám đốc Trung tâm Y sinh học thể thao Nha Trang, người từng đảm nhiệm vai trò bác sĩ tại Đội tuyển U23 Việt Nam, nhận định rằng mặt sân kém chất lượng tạo ra áp lực lên các bộ phận như: đĩa đệm, đầu gối và cổ chân, từ đó làm gia tăng nguy cơ chấn thương dài hạn.

Hiện tại, ngoài sân Pleiku do CLB Hoàng Anh Gia Lai trực tiếp quản lý, phần lớn các sân vận động còn lại ở V.League đều thuộc quyền sở hữu và quản lý của cơ quan quản lý văn hóa và thể thao các địa phương và được xếp vào dạng tài sản công. Chính điều này tạo ra nhiều rào cản cho các CLB trong việc chủ động cải tạo mặt sân hay nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, bởi mọi sự thay đổi đều phải thông qua các thủ tục hành chính và phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, điều then chốt vẫn nằm ở kế hoạch cụ thể và nguồn tài chính của các CLB. Không nhiều CLB tại Việt Nam chủ động đề xuất với Sở Văn hóa và Thể thao địa phương về việc nâng cấp sân vận động. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khó khăn tài chính, khi phần lớn đội bóng vẫn phụ thuộc vào ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo CLB vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc cải thiện mặt cỏ thi đấu. Nhiều đội sẵn sàng chi hàng chục tỷ đồng để mua cầu thủ, nhưng việc cải thiện mặt cỏ vẫn bị xem nhẹ, bởi không nhiều đội có đủ nguồn lực để đầu tư vào một ê-kíp chuyên trách chăm sóc mặt sân một cách bài bản và thường xuyên.

Nhìn chung, trong sự đổi mới tư duy làm bóng đá của Việt Nam, cần chú trọng cơ sở hạ tầng, nhất là chất lượng mặt sân. Khi mặt cỏ đạt chuẩn và được duy trì ổn định, cầu thủ sẽ có môi trường lý tưởng để tiếp cận các chiến thuật hiện đại, các HLV cũng sẽ triển khai lối chơi mạch lạc hơn. Từ đó, trình độ của cầu thủ sẽ nâng cao, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các đội tuyển quốc gia.

Vũ Đình Phong/nhandan.vn