Chỉ hơn 1 năm, pickleball đã phát triển một cách chóng mặt tại Việt Nam. Độ lan tỏa của bộ môn này đã khiến các thương hiệu thể thao trong nước bắt đầu nhìn thấy “mỏ vàng”.
Trong vòng hơn một năm qua, số lượng câu lạc bộ, sân tập pickleball ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… tăng chóng mặt. Hàng loạt VĐV đình đám ở các môn thể thao khác cũng chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp ở bộ môn còn non trẻ này. Số giải đấu được tổ chức mỗi tuần là không đếm xuể.
Bên cạnh đó, theo nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn, doanh số bán các sản phẩm chứa từ khóa “pickleball” trong năm 2024 đạt 271,9 tỷ đồng. Số liệu này đến từ 2.693 và 1.803 mặt hàng trên 4 sàn thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.
Đáng chú ý, chỉ riêng trong quý I/2025, doanh thu đến từ các sản phẩm này đã đạt 228,7 tỷ đồng, gần bằng tổng doanh số năm ngoái. Trong đó, tháng 3 ghi nhận mức doanh thu gần 100 tỷ đồng.
Chính điều này tạo ra thị trường hấp dẫn cho các hãng thể thao. Những thương hiệu nội địa từng nổi bật ở các môn bóng đá, cầu lông… bắt đầu “đánh chiếm” thị trường pickleball.
Và rồi “cuộc chiến” xuất hiện.
Thương hiệu Việt nỗ lực cạnh tranh
Khoảng một năm trước, thời điểm pickleball bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam, người chơi pickeball chủ yếu sử dụng các thương hiệu vợt đến từ Mỹ, “cái nôi” của pickleball, như Joola, Amakirk, Franklin, Proton, Selkirk…
Hiện, cộng đồng pickeball trong nước đã có lựa chọn hơn từ các hãng thể thao nội địa, nổi bật có Kamito, Facolos, Kingtek, Kaiwin, Zocker, Soxter…
Tuy nhiên, để chen chân vào một thị trường mà hãng nước ngoài chất lượng chiếm phần lớn thị phần, các hãng Việt Nam gặp rất nhiều thách thức.
Ông Tống Đức Thuận, nhà sáng lập nhãn hàng Kamito, từng chia sẻ rằng: “Ra sân gặp 20 người chơi pickleball thì có đến 19 người cầm vợt hãng quốc tế, may có 1 người cầm vợt thương hiệu Việt”.
Lý Hoàng Nam chinh phục nhiều danh hiệu pickleball trong màu áo Kamito. Ảnh: Việt Hà.
Để chinh phục được các “pick thủ”, các thương hiệu Việt không chỉ liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm, tung ra nhiều ưu đãi mà còn chi mạnh tay vào các chiến lược marketing, đặc biệt là tài trợ cho các giải đấu và lôi kéo các vận động viên (VĐV) nổi tiếng. Đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo dựng niềm tin và thu hút khách hàng.
Điển hình nhất là Kamito. Họ tạo dấu ấn bằng cách “chiêu mộ” Lý Hoàng Nam, tay vợt tennis số một Việt Nam ngay từ khi VĐV này rẽ hướng sang pickleball. Đồng thời, họ cũng sản xuất một dòng vợt riêng dành cho Hoàng Nam, như cách adidas, Nike làm cho các siêu sao Leo Messi, Cristiano Ronaldo.
Chưa dừng lại ở đó, Kamito còn đưa đồng đội, người anh em thân thiết lâu năm của Hoàng Nam về đội là Trịnh Linh Giang. Sắp tới, một dòng vợt riêng dành cho nhà đương kim vô địch đơn nam Panas Malaysia Open 2025 (thuộc hệ thống PPA Tour châu Á) cũng được ra mắt. Trước đó, Linh Giang thuộc đội Sypik.
Vuột mất Linh Giang, nhưng Sypik cũng không tỏ ra kém cạnh. Họ đã thuyết phục thành công Quang Dương, tay vợt người Mỹ gốc Việt đang đứng thứ 6 thế giới nội dung đơn nam (theo bảng xếp hạng PPA) sử dụng vợt thi đấu của mình. Sypik cũng đang sở hữu một đội rất mạnh, với những VĐV hàng đầu Việt Nam thời điểm này, như Trương Vinh Hiển hay Sophia Huỳnh Trần.
Trong khi Sypik, Kamito đang là “mái nhà” của những VĐV trẻ tuổi và đang ở đỉnh cao, Facolos lại chọn gương mặt đại diện là những tay vợt giàu kinh nghiệm như Lý Minh Tân, Huỳnh Chí Khương, Nguyễn Anh Thắng (Anh Chú Pickleball)…
Zocker không có những bước đi quá mạnh mẽ như các hãng khác, nhưng cũng kịp “chốt” được Phúc Huỳnh, tay vợt Việt kiều từng có thứ hạng số 1 châu Á.
VĐV Nguyễn Anh Thắng (biệt danh Anh Chú Pickleball) là một người có tầm ảnh hưởng trong làng pickleball Việt Nam, hiện thuộc đội Facolos. Ảnh: Việt Hà.
Tham vọng của thương hiệu Việt
Sau vợt thi đấu, các hãng Việt cũng bắt đầu mở rộng chuỗi sản phẩ để khai thác tốt hơn nhu cầu của người chơi. Phổ biến nhất là các mẫu quần áo thể thao, giày, balo, những sản phẩm gắn liền với quá trình tập luyện và thi đấu pickleball.
Ngoài ra, việc bán phụ kiện như bóng, grip tay cầm, túi đựng vợt, mũ, khăn thể thao… cũng là nguồn doanh thu đáng kể. Nhiều cửa hàng bán lẻ và trực tuyến của các thương hiệu đang mở rộng danh mục sản phẩm, tích hợp cùng hệ sinh thái bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Đáng chú ý, một số thương hiệu Việt đã bắt đầu có tham vọng vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Lúc này, phong trào pickleball ở một số quốc gia lân cận như Malaysia, Singapore, Indonesia… cũng đang phát triển, đồng thời chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện và đánh giá cao. Có thể nói, đây là phương án rất khả thi.
Việc Sypik, Kamito, Facolos… đưa các VĐV ra nước ngoài tham dự giải quốc tế và đạt được thành công cũng là một cách “ra mắt” thị trường mới rất hiệu quả. Riêng Facolos còn ký hợp đồng với nhiều VĐV nước ngoài để tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng là người hâm mộ của các VĐV đó.
Trong tương lai gần, “cuộc chiến thương mại” ở thị trường pickleball không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà sẽ lan rộng ra khu vực, nơi các hãng Việt nếu đi đúng hướng hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn trên thế giới.
Hoàng Nguyên/lifestyle.znews.vn