Văn hóa

Lời cảnh báo: Cẩn trọng từ chiêu trò ‘đổ thạch ra ngọc quý’

Tuần này, Lời cảnh báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Cẩn trọng từ chiêu trò ‘đổ thạch ra ngọc quý’; Bẫy lừa từ dịch vụ làm hộ chiếu online.

Cẩn trọng từ chiêu trò ‘đổ thạch ra ngọc quý’

Chị L.H (ngụ TP.HCM) tin vào quảng cáo trên mạng xã hội về loại đá có thể “đổ thạch ra ngọc quý” với lời hứa sau khi cắt ra sẽ thu được ngọc có giá trị cao, chị đã bỏ ra gần 5 triệu đồng để mua về. Tuy nhiên, khi cắt đá, chị phát hiện bên trong chỉ là đá thường, hoàn toàn không có giá trị như quảng cáo. Chị cố gắng liên hệ lại với bên bán nhưng đã bị chặn mọi liên lạc. Đến lúc này, chị mới biết mình đã bị lừa.

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trưởng Bộ môn Tội phạm, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết trò chơi “đổ thạch” online đang ngày càng phổ biến trên mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính và pháp lý đối với người tham gia. Người chơi thường được dụ dỗ bỏ ra một khoản tiền để mua các viên đá với lời hứa hẹn rằng bên trong có thể là đá quý có giá trị cao, thậm chí có thể bán kiếm lời hoặc “đổi đời”. Tuy nhiên, theo bà Khánh, xác suất để người chơi thật sự nhận được đá quý là cực kỳ thấp. “Nhiều trường hợp mở thạch ra nhìn thấy đá có vẻ lấp lánh, tưởng là đá quý thật, nhưng khi đem đi giám định thì hóa ra chỉ là đá thường, hoặc nếu là đá thật thì giá trị cũng không đáng kể so với số tiền bỏ ra. Người tham gia thường bị dẫn dắt bởi tâm lý thích mạo hiểm, tin rằng mình có thể may mắn trúng thưởng, trong khi thực tế đây là một trò chơi mang tính chất cờ bạc trá hình. Cuối cùng, chính người chơi là người chịu toàn bộ rủi ro và thiệt hại về tài sản”, bà nhấn mạnh.

Tiến sĩ, Luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa Doanh nghiệp, phân tích hành vi kêu gọi cá độ online thông qua trò chơi “đổ thạch” đã vi phạm pháp luật. Theo ông, đây là chiêu trò cấu kết để dụ dỗ người chơi xuống tiền, đặt cược vào việc bên trong viên đá sẽ có đá tốt như đá phỉ thúy, với hy vọng đổi đời và kiếm được khoản tiền lớn. “Thực tế, may mắn thì rất ít mà rủi ro thì rất nhiều. Hành vi của những người tổ chức hoặc kêu gọi tham gia trò chơi này có dấu hiệu vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Mức phạt tùy theo giá trị chiếm đoạt có thể lên đến 20 năm hoặc chung thân”, ông cảnh cáo.

Bẫy lừa từ dịch vụ làm hộ chiếu online

Anh H.D.P, ngụ tại TP.HCM, thấy một trang web làm hộ chiếu online với giao diện chuyên nghiệp nên hoàn toàn yên tâm, tin tưởng và chuyển tiền ngay lập tức. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, không có ai liên hệ lại, lúc này anh mới nhận ra mình đã bị lừa.

Tương tự, chị P.T.C, sống tại tỉnh Cà Mau, cho biết không lo lắng chuyện mất vài trăm nghìn đồng mà lo ngại nhất là việc thông tin cá nhân bị lộ, bởi chị đã lỡ gửi đầy đủ địa chỉ, hình ảnh chân dung cùng căn cước công dân hai mặt. Trước đó, từng có người gọi điện mạo danh ngân hàng, thông báo rằng chị đứng tên một khoản vay không rõ nguồn gốc.

Luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers (TP.HCM), cho biết: “Theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, tùy theo số tiền chiếm đoạt, có thể bị xử phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 12 năm đến 20 năm tù. Trường hợp đối tượng giả mạo website để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có dấu hiệu rõ ràng, có thể bị truy cứu theo Điều 174 với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt cũng từ 12 đến 20 năm tù, nặng nhất là tù chung thân”.

Luật sư Trần Minh Cường nói thêm: “Trong trường hợp này, mọi người cần nhanh chóng trình báo với cơ quan chức năng, công an địa phương nơi cư trú để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc lộ dữ liệu cá nhân và việc nạn nhân bị các đối tượng xấu sử dụng thông tin đó nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật, gây hậu quả trong khi bản thân nạn nhân không liên quan. Nên kèm theo bản tường trình chi tiết về sự việc, chẳng hạn như các thông tin về đơn vị đã nhận hình ảnh hoặc dữ liệu cá nhân, để cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, rà soát và xử lý đúng người, đúng tội. Chúng ta có thể truy cập Cổng dịch vụ công của Bộ Công an để nộp hồ sơ, đăng ký lịch hẹn hoặc tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ, hoặc có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan xuất nhập cảnh thuộc công an thành phố nơi có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú để làm hộ chiếu. Tuyệt đối không chia sẻ hay để lộ thông tin cá nhân”.

Lời cảnh báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.