Văn hóa

Lời cảnh báo: Lừa đảo qua dịch vụ ‘mở khóa’ thiết bị điện tử

Tuần này, Lời cảnh báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Lừa đảo qua dịch vụ ‘mở khóa’ thiết bị điện tử; Thực hư thuốc nhỏ mắt chữa cận thị.

Lừa đảo qua dịch vụ ‘mở khóa’ thiết bị điện tử

Anh N.V trở thành nạn nhân sau khi nhìn thấy một quảng cáo trên mạng xã hội. Đối tượng lừa đảo cam kết chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng là có thể mở khóa iCloud cho chiếc iPhone của anh. Một trang web có giao diện chuyên nghiệp, mô phỏng các trung tâm sửa chữa lớn, được gửi đến để tạo lòng tin. Tin tưởng, anh N.V đã chuyển tiền, nhưng sau đó không thể liên lạc được với người này; số điện thoại bị khóa, tài khoản mạng xã hội cũng bị chặn.

Tương tự, chị T.P từng mua lại một chiếc iPhone cũ với giá rẻ nhưng bị khóa iCloud. Khi thấy các dịch vụ mở khóa iCloud được quảng cáo trên mạng với mức giá ổn định, chị đã liên hệ. Ban đầu, đối tượng yêu cầu chị chuyển khoản 1 triệu đồng, sau đó tiếp tục dùng nhiều lý do để thuyết phục chị chuyển thêm 2 triệu đồng. Tuy nhiên, chiếc iPhone của chị vẫn chưa được mở khóa iCloud như cam kết.

Thạc sĩ Lê Tấn Phước, Giám đốc Công ty Cổ phần Cyber SSI, cho biết nhu cầu mở khóa thiết bị điện tử hiện nay khá phổ biến do người dùng quên mật khẩu, mua máy không chính chủ hoặc bị khóa bởi nhà mạng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng quảng cáo dịch vụ mở khóa giá rẻ trên mạng xã hội để lừa đảo. “Dấu hiệu dễ nhận biết là dịch vụ giá rẻ, yêu cầu chuyển tiền trước và không có địa chỉ rõ ràng”, ông Phước cảnh báo.

Theo ông, người dùng có thể mất tiền mà thiết bị vẫn bị khóa, thậm chí còn đối mặt với rủi ro như hỏng phần mềm, mất dữ liệu hoặc vi phạm pháp luật nếu thiết bị là hàng không rõ nguồn gốc. “Việc cố tình mở khóa thiết bị không chính chủ có thể khiến người dùng vô tình vi phạm pháp luật,” ông nhấn mạnh.

Thạc sĩ Lê Tấn Phước cũng lưu ý người dùng cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến. Theo ông, để bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị lừa đảo, người dùng tuyệt đối không nên chia sẻ thông tin cá nhân lên các trang web không rõ nguồn gốc. “Tài khoản mạng xã hội, mật khẩu OTP hay bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào cũng không nên đưa lên những địa chỉ không đáng tin cậy,” ông Phước nhấn mạnh.

Luật sư Phan Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Pháp lý Giải pháp Tài chính Gnha, cho biết việc mở khóa thiết bị không chính chủ, đặc biệt khi liên quan đến việc đánh cắp hoặc sử dụng thông tin cá nhân mà không có sự cho phép, có thể cấu thành hành vi phạm tội. “Nếu lấy thông tin cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý, người thực hiện có thể bị xử lý theo luật hình sự. Trường hợp gây thiệt hại có thể còn vi phạm cả luật dân sự,” ông Thắng phân tích.

Ông khuyến cáo, khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần chủ động lưu giữ các bằng chứng giao dịch như địa chỉ website, email, tin nhắn và hóa đơn chuyển tiền. Đây là cơ sở quan trọng để tố giác với cơ quan công an hoặc khởi kiện dân sự nhằm đòi lại quyền lợi.

Thực hư thuốc nhỏ mắt chữa cận thị

Chị N.T.H (ngụ tại TP.HCM) cho biết đã thấy quảng cáo về một loại thuốc nhỏ mắt được giới thiệu có công dụng làm giảm độ cận thị nên đã mua về sử dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng liên tục, chị không nhận thấy bất kỳ hiệu quả hay cải thiện nào về tình trạng cận thị, thậm chí thị lực còn suy giảm, mắt mờ và có cảm giác đau nhức nhiều hơn.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thành Luân, Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo rằng tình trạng nhìn mờ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, không chỉ riêng tật cận thị. “Cho tới hiện tại, chưa có một loại thuốc nhỏ mắt nào được chứng minh có thể điều trị khỏi hoàn toàn tật cận thị. Một số phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay gồm phẫu thuật hoặc nếu không phẫu thuật, thì có thể đeo kính gọng hoặc kính áp tròng”, bác sĩ cho biết.

Anh cũng nhấn mạnh tác hại khi sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt không rõ nguồn gốc: “Nếu nhẹ thì các chất trong đó có thể gây kích ứng cho mắt như viêm, đỏ mắt, làm mờ tầm nhìn, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nguy hiểm hơn, việc tự ý dùng thuốc có thể khiến người bệnh bỏ qua giai đoạn điều trị tối ưu bằng các phương pháp khoa học như kiểm soát tiến triển cận thị, đeo kính hoặc phẫu thuật”.

Bác sĩ Nguyễn Thành Luân cảnh báo thêm: “Một số thuốc không rõ nguồn gốc có thể bị nhiễm khuẩn, gây viêm loét giác mạc, để lại sẹo vĩnh viễn khiến thị lực suy giảm không thể hồi phục. Trường hợp nặng có thể dẫn đến thủng giác mạc, mất thị lực vĩnh viễn, thậm chí phải loại bỏ mắt. Trước những quảng cáo có cánh về công dụng thần kỳ của thuốc nhỏ mắt, người dân cần hết sức tỉnh táo và nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt để đưa ra quyết định đúng đắn”.

Lời cảnh báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.